Các phương pháp Định giá Doanh nghiệp thường dùng
Các phương pháp áp dụng trong thẩm định giá doanh nghiệp bao gồm: Phương pháp định giá dựa trên tài sản (cách tiếp cận từ tài sản), Phương pháp chiết khấu dòng tiền (cách tiếp cận từ thu nhập) và Phương pháp dựa trên tỷ số P/E (cách tiếp cận từ thị trường). Doanh nghiệp thẩm định giá cần lựa chọn các cách tiếp cận, phương pháp thẩm định giá trên cơ sở hồ sơ, tài liệu được cung cấp và thông tin tự thu thập để thẩm định giá doanh nghiệp.
-
Phương pháp định giá dựa trên Tài sản (cách tiếp cận từ tài sản)
Đây là một trong những phương pháp định giá truyền thống giúp phản ánh thực tế doanh nghiệp tại một thời điểm.
Định nghĩa: Phương pháp định giá doanh nghiệp theo giá trị tài sản cho rằng, giá trị của một doanh nghiệp sẽ bằng giá trị của tất cả các loại tài sản riêng trên bảng cân đối kế toán trừ các khoản nợ phải trả. Giá trị của tài sản được đánh giá bằng hiệu quả sử dụng và khai thác các tài sản đó, giúp tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai.
Giá của vốn chủ sở hữu = Tổng tài sản – Tổng nợ phải trả
Đối tượng áp dụng: Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp theo tài sản thường được áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với quy mô tài sản hợp lý. Thông thường là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà các tài sản như máy móc thiết bị, nhà xưởng, các phương tiện vận tải, các trang thiết bị … có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của công ty. Các doanh nghiệp khác như doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp công nghệ, hoặc các công ty kinh doanh về tài chính thường sẽ áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền.

-
Phương pháp chiết khấu dòng tiền (cách tiếp cận từ thu nhập)
Phương pháp chiết khấu dòng tiền là phương pháp khá hiệu quả và được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, đây là cách tiếp cận khá phức tạp đòi hỏi nhiều chuyên môn cũng như dữ liệu đầu vào.
Định nghĩa: Phương pháp chiết khấu dòng tiền định giá doanh nghiệp bằng cách đưa ra những dự đoán về dòng tiền trong tương lai mà công ty có thể tạo ra sau đó chiết khấu về thời điểm hiện tại. Giả định giá trị của doanh nghiệp sẽ tương đương với tổng giá trị hiện tại của dòng tiền mà doanh nghiệp có thể tạo ra trong tương lai. Công thức tính như sau:
DCF = CF1/(1+r)^1+ CF2/(1+r)^2+ …+ CFn/(1+r)^n
Trong đó:
DCF – Discounted cash flow: Giá trị của công ty hay còn gọi là dòng tiền đã được chiết khấu.
CF – Cash flow: Dòng tiền mà công ty có thể tạo ra trong các năm tới (năm 1, năm 2,… năm n).
r – discount rate: Tỷ lệ chiết khấu của dòng tiền.
Đối tượng áp dụng: Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp dựa trên chiết khấu dòng tiền thường được áp dụng đối với các các doanh nghiệp có tình hình tài chính tương đối tốt, có khả năng thanh toán nợ cao, tính thanh khoản cao, nguồn vốn lớn và có khả năng kinh doanh để tạo ra lợi nhuận bù đắp hết các loại chi phí.

-
Phương pháp dựa trên tỷ số P/E (cách tiếp cận từ thị trường)
Chắc hẳn các nhà đầu tư chứng khoán đã rất quen thuộc với khái niệm P/E. Đây chính là cách tiếp cận giúp xác định được giá trị của doanh nghiệp dưới góc độ thực tế thị trường.
Định nghĩa: Phương pháp P/E (hay giá trị thị trường trên thu nhập) là tỷ số để xác định giá trị của một doanh nghiệp, dựa vào mối tương quan giữa giá trị thị trường của của cổ phiếu với lợi nhuận sau thuế của công ty. Bản chất phương pháp này là so sánh tỷ số P/E của doanh nghiệp với các đối thủ trong ngành trên thị trường để tìm ra giá trị phù hợp nhất.
P/E = Giá một cổ phiếu/ thu nhập trên một cổ phiếu
hoặc P/E = Tổng giá trị vốn hóa thị trường/ Tổng thu nhập ròng
Đối tượng áp dụng: Để áp dụng phương pháp này cần có cơ sở so sánh (là các doanh nghiệp đối thủ trên thị trường đã niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc sàn UPCom).
Trên đây là tổng quan thông tin về các phương pháp định giá doanh nghiệp thường được sử dụng. Trên thực tế, tùy thuộc vào mô hình kinh doanh và hoàn cảnh hiện tại của công ty thì sẽ có phương pháp định giá phù hợp. Việc xác định giá trị của một công ty thường diễn ra khá phức tạp và đòi hỏi cần có thời gian để tìm hiểu và đánh giá bởi định giá không đơn giản chỉ là tính toán ra những con số, định giá là một sự đầu tư kỹ lưỡng và chi tiết.