Ngày 09/12/2023 5:57 PM

Bàn về tập đoàn kinh tế truyền thông – Xu hướng tất yếu

Hiện nay, các tập đoàn truyền thông đang phát triển ngày càng mạnh mẽ ở trên thế giới, nhất là các nước phát triển: Mỹ, Anh, Thụy Điển, Hàn Quốc…. góp phần đưa truyền thông trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ nhu cầu giải trí, thông tin… của công chúng. Nói cách khác, đây là các quốc gia đã xây dựng thành công nền kinh tế truyền thông.
z4252513833896_2e443c061bbf8cd88a06af25dddb5080

Những tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới hiện nay như: Viacom (Tập đoàn sở hữu không chỉ một mà rất nhiều những kênh truyền hình danh tiếng như: MTV, Nickledeon…), NewsCorp của ông trùm truyền thông Murdoch…

Trên thế giới, Hoa Kì là quốc gia có nền kinh tế truyền thông phát triển mạnh nhất. Đây là đất nước dân chủ, xã hội cởi mở, người dân có quyền cũng như khát khao tiếp cận nguồn thông tin lớn, cũng là nơi mà những khái niệm về nền kinh tế tri thức xuất hiện đầu tiên. Chính sự phát triển của xã hội cùng nền kinh tế tri thức đã đẩy truyền thông của Hoa Kì ra đời sớm hơn, nhanh hơn và mạnh hơn các quốc gia khác. Rất nhanh sau đó là sự ra đời của các tập đoàn truyền thông lớn và có tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi biên giới Hoa Kì.

Tại châu Á, Hàn Quốc là một quốc gia đang xây dựng rất thành công nền kinh tế truyền thông.

Người Mỹ luôn coi báo chí – truyền thông là một trong những ngành công nghiệp nặng và cho phép nó phát triển đến mức tối đa. Từ thế kỷ XIX, báo chí – truyền thông Mỹ đã có những công ty hùng mạnh, giàu có và tự đảm bảo được về phương diện kinh tế và nhờ đó, phát huy tốt hoạt động làm báo. Đến cuối thế kỷ này, báo chí đã trở thành một nền kinh doanh lớn ở Mỹ, có tính độc lập tương đối trong đời sống xã hội.

Con đường phát triển tất yếu của ngành công nghiệp báo chí – truyền thông là từng bước chuẩn bị những yếu tố cần thiết để trở nên lớn mạnh: Đầu tiên là đổi mới tư duy theo hướng chú trọng mục tiêu kinh tế, sau đó mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực truyền thông khác, mở rộng năng lực điều hành đối nội và đối ngoại ở hàng loạt tờ báo, tham gia năng động vào nền kinh tế như những doanh nghiệp thực thụ. Nền báo chí Mỹ đã tuân theo quy luật phát triển đó, được đánh giá là một trong những nền báo chí mạnh nhất thế giới và cũng từ quy luật phát triển đó mà nước Mỹ được đánh giá là cái nôi ra đời của các tập đoàn báo chí – truyền thông hàng đầu thế giới.

Xu hướng phát triển trên thế giới

Khái niệm “Tập đoàn báo chí” hay “Tập đoàn báo chí – truyền thông” được nhắc đến để chỉ một tập đoàn kinh tế hoạt động đa dạng trong lĩnh vực truyền thông, có thể có hạt nhân là một cơ quan báo in, báo hình, hoặc bất cứ một loại hình truyền thông nào đó, và cũng có thể tham gia vào một số lĩnh vực kinh doanh ngoài truyền thông.

Thực tế tại các nước có nền báo chí phát triển mạnh như Mỹ, Đức, Anh cho thấy, các tập đoàn báo chí được hình thành trên cơ sở cạnh tranh khiến các công ty báo chí – truyền thông tự nguyện liên kết lại bằng hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) với nhau nhằm tăng nguồn lực, tạo ra sức mạnh lớn hơn đủ khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Cũng có thể, các quá trình trên diễn ra giữa những tập đoàn kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ với các công ty báo chí – tuyền thông nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh, tạo ra lợi thế xã hội trong phát triển.

Có thể thấy các tập đoàn báo chí phát triển theo hai xu hướng chủ đạo:

  • Phát triển theo chiều dọc: tức là một tập đoàn nắm quyền sở hữu rất nhiều lĩnh vực truyền thông khác nhau, tạo thành một mạng lưới sản xuất và tiêu thụ liên hoàn, làm ra nội dung truyền thông và có kênh phân phối các nội dung truyền thông đó. 

Tập đoàn Bertelsmann (của Đức) là một điển hình phát triển theo xu hướng này. Bertelsmann tích tụ đi lên từ lĩnh vực báo in, dần dần đã khống chế toàn bộ lĩnh vực nghe nhìn ở châu Âu. Tập đoàn Đức này có mặt tại 56 nước. Những ngành nghề hoạt động chính: âm nhạc, truyền hình, phát thanh, xuất bản, báo chí và internet.

Ở Mỹ, Gannett Co. Inc cũng là tập đoàn báo chí truyền thông phát triển theo xu hướng trên. 77% hoạt động của Gannett tập trung vào lĩnh vực báo chí, với 95 tờ báo ngày, 1 hãng thông tấn, 50 tạp chí, 10 đài truyền hình, 16 đài phát thanh. Ngoài ra, nó còn quản lý Viện Điều tra xã hội Harris.

  • Liên kết và bành trướng theo hàng ngang: tức là tập đoàn đầu tư vào những ngành khác nhau, tạo sự liên kết những ngành báo chí truyền thông, công nghiệp, tài chính, dịch vụ rất xa nhau để hỗ trợ lẫn nhau, hạn chế rủi ro, tăng cường sức mạnh.

Thực tế tại Mỹ cho thấy, các tập đoàn báo chí có mối quan hệ rất chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế khác. Nghiên cứu của giáo sư Piter Phillips, trường Đại học Sonoma cho thấy, 118 thành viên hội đồng quản trị của 10 tập đoàn báo chí lớn nhất nước Mỹ cũng đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của 288 tập đoàn kinh tế khác. Trong khi các tập đoàn The Tribune, New York Times và Gannett đều có thành viên ở hội đồng quản trị của tập đoàn Pepsi; Coca Cola và J.P. Morgan lại có đại diện chia sẻ ghế hội đồng quản trị của cả NBC và tờ Washington Post.

Lợi ích và hạn chế 

Ở các nước phát triển, báo chí truyền thông đa phần tư nhân hóa, vận hành theo cơ chế thị trường, chú trọng cả ba phương diện thông tin – giải trí – kinh tế. Trong đó, hiệu quả kinh doanh, kinh tế rất được đề cao và cũng là để tác động, hỗ trợ trở lại cho thông tin tuyên truyền.

Nguồn lợi mà các tập đoàn báo chí mang lại cho giới chủ thông qua hai dạng thức chủ yếu: trực tiếp và gián tiếp. Nguồn lợi trực tiếp thu được qua việc bán các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ báo chí truyền thông và hoạt động quảng cáo. Nguồn lợi gián tiếp là việc tạo ra những ảnh hưởng chính trị, làm thay đổi các chính sách của nhà nước, hình thành những điều kiện đầu tư thuận lợi. Đây là nguồn lợi to lớn mà giới chủ các tập đoàn báo chí hướng tới, là lý do quan trọng nhất để dẫn tới sự liên kết giữa báo chí truyền thông với công nghiệp, tài chính, dịch vụ để hình thành những tập đoàn độc quyền khổng lồ. Điều ấy cũng giải thích tại sao các tập đoàn công nghiệp, tài chính khổng lồ ở Mỹ và các nước phương Tây luôn đóng vai trò to lớn và tích cực trong các cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, xu hướng phát triển bành trướng như trên sẽ dẫn tới tình trạng tập trung, độc quyền gia tăng. Sự thống trị của các tập đoàn báo chí dẫn tới hệ quả: Tính cạnh tranh thông tin và sự phong phú mà người dân được hưởng từ hệ thống thông tin truyền thông ngày một giảm (sự cạnh tranh thông tin khốc liệt của hàng trăm tờ báo trước đây ở Mỹ giờ trở thành cuộc cạnh tranh thông tin của hơn 10 tập đoàn báo chí); Tình trạng lũng đoạn thông tin (các ông chủ các tập đoàn báo chí có thể đưa thông tin sai lệch, một chiều làm thay đổi quan điểm của người dân nhằm phục vụ các mục đích kinh tế – chính trị của mình); Sự bất bình đẳng trong hưởng thụ truyền thông: Robert McChesney, một nhà nghiên cứu truyền thông nổi tiếng cho rằng, hiện tại thứ báo chí tốt nhất đang thuộc về giới doanh nhân, phục vụ các nhu cầu của họ còn báo chí phục vụ cho công chúng có khuynh hướng là một thứ báo chí tầm thường.

Ngoài ra, sự phát triển của các tập đoàn báo chí phương Tây cũng đang góp phần giúp văn hóa của họ bành trướng ở các nước có thị trường truyền thông chưa phát triển. Vì vậy, theo các chuyên gia, các nước có thị trường truyền thông chưa phát triển cần có chiến lược đối đầu thật tốt để chống lại xu hướng này.

Tại Việt Nam, tập đoàn kinh tế truyền thông là một xu hướng tất yếu

Mặc dù ra đời sau các loại hình tập đoàn kinh tế khác, nhưng trong những thập kỉ gần đây, truyền thông là một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ và tạo nên sức mạnh lớn ảnh hưởng tới cả xã hội, kinh tế lẫn chính trị, ngoại giao… Đáp ứng những nhu cầu của con người trong thời đại thông tin, tri thức. Nhu cầu trao đổi tri thức của con người là vô cùng lớn và truyền thông là một kênh lớn để chia sẻ những tri thức ấy. Đối tượng được hưởng lợi ích từ truyền thông không chỉ là những người giàu có mà còn là những người có thu nhập thấp, có mức sống bình dân… Với sự hình thành của các tập đoàn truyền thông, thông tin sẽ được chuyển tải tới công chúng nhanh hơn, cập nhật hơn và đa chiều hơn.

Tuy nhiên, khái niệm “Tập đoàn kinh tế truyền thông” vẫn còn quá mới mẻ tại Việt Nam. Các chính sách, hồ sơ thủ tục thành lập tập đoàn, các mô hình, quy chế quản lý, phát triển… vẫn còn là bài toán khó, cần người khai phá…Đặc biệt trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, sản phẩm của các tập đoàn truyền thông sẽ là một cầu nối giúp giảm bớt khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Truyền thông là phương tiện quảng bá văn hóa hiệu quả, khẳng định vị trí của công ty và quốc gia mình trên thế giới.

Việc hình thành các tập đoàn kinh tế truyền thông ở Việt Nam là một điều tất yếu. Chúng ta có rất nhiều thuận lợi để thúc đẩy phát triển mạnh nền kinh tế này. Trong mấy năm gần đây, truyền thông ở Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh. Năm 2022, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so năm 2021 và gấp 1,5 lần so dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,3 tỷ đồng, tăng 24,7% so năm 2021; tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so năm 2021; tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so với năm 2021. Đóng góp của kinh tế số cho GDP năm 2022 ước đạt tỉ trọng khoảng 14,26%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021, đạt kế hoạch đề ra năm 2022. Các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành phủ sóng cho 2.152/2.418 điểm lõm sóng là các thôn, bản trên toàn quốc. Như vậy, tỉ lệ thôn đã có sóng trên toàn quốc đạt 99,73%.

Tuy nhiên, công chúng chưa hài lòng về các sản phẩm dành cho họ. Với trình độ tri thức ngày một nâng cao, họ không còn phải chấp nhận tất cả những thông tin mà truyền thông đưa ra nữa, họ có quyền lựa chọn. Chính những nhu cầu này của thị trường đã tạo ra một khả năng, một động lực lớn cho các tập đoàn truyền thông ở Việt Nam hình thành và phát triển.

Bên cạnh đó, nguồn tài chính ở Việt Nam cho truyền thông cũng khá rộng mở. Có rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẵn sàng đầu tư vốn cho những tập đoàn truyền thông có triển vọng. Kinh tế truyền thông đang trong giai đoạn đi lên và đầu tư cho truyền thông sẽ là một lĩnh vực có tiềm năng.

Tài liệu tham khảo: 

http://www.naa.org 

http://www.sipiapa.com

Tổng hợp

Tin Tức Khác

Đăng nhập với Email / Mật khẩu

Hoặc

Đăng ký với Email

Hoặc

Đăng ký với Email

Hoặc

Đăng nhập với Email / Mật khẩu

Hoặc